Các thành tựu và khuyết điểm Giáo_dục_Việt_Nam_Cộng_hòa

Thành tựu

Giáo dục Việt Nam Cộng hoà tuy còn những hạn chế nhất định nhưng đã xây dựng được cho mình một số nền tảng ban đầu của một nền giáo dục mới, tạo cơ sở cho những bước phát triển thêm về sau[13]:

  • Thực hiện giáo dục miễn phí đối với những trường công lập: Người đi học từ bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học gần như không phải đóng học phí, trừ vài khoản lệ phí đóng góp (tuy nhiên nếu học trường tư thì vẫn phải đóng học phí tùy theo quy định từng trường).
  • Nền giáo dục vận hành trên cơ sở tự chủ cao: Các viện đại học cả công lẫn tư được hoạt động khá độc lập và tự chủ trong cơ cấu bộ máy, hoạt động, tự do thiết lập chương trình giảng dạy và học tập theo cơ chế "tự trị đại học" (tương đương với "tự chủ" đại học hiện nay), ít bị lệ thuộc bởi chỉ đạo từ chính phủ (tất nhiên vẫn có những giới hạn không được vi phạm, như không được dùng giảng đường để tuyên truyền chống Mỹ, hoặc ca ngợi quân Giải phóng miền Nam và chủ nghĩa cộng sản).
  • Nền giáo dục mang tính xã hội hóa cao: mọi cá nhân hoặc đoàn thể/tổ chức hợp pháp đều có quyền mở trường dạy học từ mẫu giáo đến đại học theo quy định của luật, nhờ vậy hệ thống giáo dục tư nhân phát triển mạnh và khá đa dạng về loại hình, đã bước đầu thiết lập được một số mô hình giáo dục đặc biệt, thích nghi với hoàn cảnh của từng địa phương và của đất nước. Hình thức tổ chức các lớp học đa dạng, tạo điều kiện cho mọi người được học, không giới hạn tuổi tác.
  • Giáo dục ít bị ảnh hưởng bởi chính trị và tôn giáo: ở cả ba cấp tiểu, trung và đại học (phổ thông lẫn chuyên nghiệp), nội dung sách giáo khoa ít bị chính trị chi phối (trừ các môn đặc thù như lịch sử, địa lý, văn học). Ở các môn xã hội như văn học, lịch sử, triết học, các sự kiện, nhân vật được giảng dạy, phản ánh khá đầy đủ và bao quát (trừ những nội dung về lịch sử hiện đại phải viết lệch đi, ví dụ như tránh nói tới việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống Pháp trong khi Việt Nam Cộng hòa lại hợp tác với Pháp, khi nói về việc lật đổ Ngô Đình Diệm thì không được nói đó là "đảo chính" mà nói tránh là "cách mạng 1-11"). Giáo dục cũng tách khỏi tôn giáo, nội dung giảng dạy không phụng sự riêng cho một tôn giáo nào (trừ những trường do các tổ chức tôn giáo thành lập và điều hành).
  • Nề nếp thi cử tương đối ổn định, khá công bằng và bình đẳng cho mọi người đi học.
  • Trình độ nghiệp vụ, lương tâm, trách nhiệm, thể diện, tư cách mô phạm … của các giáo viên vẫn giữ được một cách căn bản nhờ được đào tạo tương đối tốt. Ít xảy ra những hiện tượng tiêu cực như tham ô, móc ngoặc, lãng phí của công một cách tràn lan[13].

Khiếm khuyết, hạn chế của nền giáo dục

Bên cạnh những thành tự kể trên, nền giáo dục Việt Nam Cộng hoà cũng tồn tại những khuyết điểm. Thời gian đầu, trong quá trình góp ý và cải tổ giáo dục, nhiều nhà giáo, giảng viên Việt Nam Cộng hòa đương thời đã nêu ra các khiếm khuyết, hạn chế của nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa:[13]:

  • Nền giáo dục vay mượn ngoại lai, là di sản của thực dân phong kiến, chịu ảnh hưởng sâu đậm của chương trình giáo dục cũ của Pháp suốt 1 thế kỷ mà họ cai trị, thiếu tính tự chủ, thiếu sự sáng tạo...
  • Thiếu một chính sách rõ rệt, chưa có kế hoạch mang tính lâu dài.
  • Chương trình nặng về lý thuyết và thi cử, xa thực tế, thiếu thực hành. Chương trình nặng và dài, nhưng chỉ trọng trí dục mà xem nhẹ phần đức dục và thể dục.
  • Thiếu trường ốc, giáo chức không đủ, thiếu cơ sở vật chất giáo dục...
  • Nền giáo dục thiếu tính cách thuần nhất trong cơ cấu tổ chức và trong sự phân phối chương trình giữa ba cấp học, thiếu sự phối hợp và liên thông giữa các cấp.
  • Thiếu quan niệm và tổ chức hướng học và hướng nghiệp, tâm lý trọng văn kinh nghề... Ngay tại các trường chuyên môn và kỹ thuật, chương trình học cũng nặng phần lý thuyết, kém phần thực hành.
  • Nền giáo dục thiếu một chính sách hướng dẫn, kế hoạch tổ chức để thích ứng với nhu cầu quốc gia.

Đã có nhiều bài báo phân tích các khuyết điểm của nền giáo dục, tựu trung như sau: (1) Thiếu một kế hoạch dài hạn và quy mô; (2) Thiếu một cơ cấu tổ chức hữu hiệu; không đủ trường ốc và một đội ngũ sư phạm được huấn luyện chu đáo; (3) Giáo dục thiếu thực dụng, đặc biệt về phương diện kinh tế; (4) Áp dụng một chương trình học sai lầm, lạc hậu[13]

Sinh viên học sinh Việt Nam Cộng hòa phải chịu áp lực rất lớn về thi cử (do tỷ lệ xét đậu khá thấp). Một tỷ lệ khá lớn (40%) bị trượt thi tuyển lớp Đệ thất trường công, rồi lại phải chịu áp lực nặng nề trong các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài I (mỗi kỳ chỉ xét đậu khoảng 15–30%). Học sinh sinh viên phải học rất vất vả vì lo thi rớt, nếu đậu lại lo ra trường bị thất nghiệp.[13]

Hệ thống trường học của Việt Nam Cộng hòa rất mất cân đối về cơ cấu và thiếu hụt về số lượng, chỉ có những vùng đô thị, các loại trường trung học mới phát triển. Đến năm học 1970 - 1971, riêng vùng Sài Gòn - Gia Định đã chiếm 13% trường tiểu học) và 24 % (trường trung học), sự mất cân đối này cho thấy khẩu hiệu “giáo dục đại chúng”, “giáo dục cho mọi người” là không thể thực hiện được. Cố vấn Mỹ Donald M. Knox, Trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã nhận xét: toàn miền Nam có khoảng 2,6 triệu các em tuổi từ 12 - 18 nhưng chỉ có 60 vạn em có chỗ học trong các trường trung học. Nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4”[16]

Hoàn cảnh kinh tế, đời sống của giáo viên bị sa sút khiến nhiều người đã bỏ nghề hoặc phải tìm việc làm thêm để nuôi sống gia đình. Đã vậy, lại không có Luật Giáo dục hoặc Quy chế Giáo chức để đảm bảo quyền lợi của giáo viên, nên họ chịu nhiều hậu quả như: sự bất bình đẳng trong hàng ngũ giáo chức; trường tư thục bị biến thành cơ sở thương mại và giáo chức tư thục bị chủ trường bóc lột; giáo chức tiểu học bị nhiều thiệt thòi; giáo chức bị hiệu trưởng và người ngoài hiếp đáp (phê điểm, hành hung…) và rất nhiều hậu quả khác"[13]

Nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế

Trong quá trình góp ý và cải tổ giáo dục, những nguyên nhân gây ra các khuyết điểm này được các nhà nghiên cứu kể ra như[13]:

  • Về mặt khách quan: do chiến tranh kéo dài, liên tục bất ổn về chính trị, ngân sách giáo dục thiếu thốn (chỉ khoảng 5–6% trên tổng ngân sách quốc gia);
  • Về mặt chủ quan:
    • Chưa có chính sách lâu dài về giáo dục. Những lý thuyết "giáo dục nhân bản, khai phóng", "giáo dục tiến bộ"… nghe thì lý tưởng nhưng khi áp dụng vào thực tế thì bị lúng túng, vá víu. Do thiếu thực hành cho nên đặt tiêu chuẩn như vậy không có tính khả thi.
    • Các ý niệm "giáo dục Nhân bản, Khoa học, Dân tộc và Khai phóng" khá mơ hồ, khiến sự phát triển không định hướng, lộn xộn và chắp vá.
    • Chính sách giáo dục thay đổi liên tục: chỉ trong vòng 5 năm (1964–1969) đã thay tới 14 vị Tổng trưởng ngành giáo dục. Mỗi vị có một chủ trương, một đường lối khác nhau, không chịu tiếp nối công trình của vị tiền nhiệm.
    • Có ý kiến cho rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa chưa bao giờ đặt vấn đề giáo dục lên đúng tầm quan trọng của nó.
    • Ngoài ra, còn có những cản trở khác: căn bệnh kỳ thị xuất thân Nam, Bắc và tình trạng tranh chấp ngấm ngầm giữa lớp giáo viên Cũ (ảnh hưởng từ Pháp) và lớp Mới (ảnh hưởng từ Mỹ)
    • Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng đã bắt đầu len lỏi vào ngành giáo dục với một số trường hợp được đưa ra ánh sáng, càng làm mất thêm niềm tin chung của người dân về tính lành mạnh và thiện chí của bộ máy giáo dục[13]

Các đề xuất, dự án cải tổ

Từ những khuyết điểm, các nhà giáo đương thời đề nghị phải có các vị am hiểu về giáo dục cùng nghiên cứu chương trình cải tổ cụ thể. Chính phủ phải đặt vấn đề giáo dục lên hàng quốc sách mới hy vọng nền giáo dục thoát ra khỏi cảnh bế tắc… Phải lưu tâm đến mấy điểm dưới đây: Xem xét thực trạng của nền giáo dục; Tìm hiểu nguyên nhân đã dẫn đến cuộc khủng hoảng và bế tắc hiện tại; Tìm biết về nhu cầu của quốc gia hiện tại; Soạn thảo và vạch định hướng cùng chương trình của một nền giáo dục tiến bộ; Có kế hoạch thực hiện, cải tổ toàn diện nền giáo dục từ Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học đến Đại học.

Nhà giáo Trần Ngọc Ninh đề nghị một chương trình khẩn trương gồm bốn điểm chính[13]: Tạo lại lòng tin: hãy tránh sự thay đổi vụn vặt về chương trình học, hợp lý hóa và bỏ bớt các kỳ thi cử; Phải có một chính sách toàn diện hợp lý và hợp với tình trạng xã hội Việt Nam, tránh rập khuôn; Phải coi giáo dục là trọng tâm của tinh thần dân chủ; Phải hiểu giáo dục là một việc đầu tư chắc chắn và hợp lý nhất trong các việc đầu tư của một quốc gia.

Một số đề án cải tổ tiêu biểu:

  • Hệ thống dự án giáo dục mới 1964: Dự án này đề ra 6 mục tiêu cơ bản: Gia tăng tính thuần nhất của hệ thống giáo dục; Đi sát thực trạng với nhu cầu địa phương, Thiết lập tổ chức hướng học và hướng nghiệp theo các nước tiền tiến; Tăng cường nền học chuyên nghiệp và kỹ thuật ở Trung học; Thích ứng với nhu cầu quốc gia; Tăng gia hiệu năng của trường đại học.
  • Hệ thống giáo dục cải tổ theo Chính sách Văn hóa Giáo dục (1972) của Hội đồng Văn hóa Giáo dục'
  • "Kế hoạch phát triển giáo dục bốn năm (1971–1975)" của Bộ Giáo dục: Với 3 mục tiêu: Phát huy năng khiếu cá nhân; Thích ứng cá nhân với xã hội; Phát huy tinh thần quốc gia.
  • Kế hoạch Giáo dục quốc gia của Nhóm Nghiên cứu hậu chiến
  • Hệ thống giáo dục theo một đề xuất cải tổ của tư nhân[13].

Các đề xuất cải tổ đề nghị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức đào tạo, mô hình trường đào tạo từ tiểu học đến đại học: như tiểu học cộng đồng, đại học cộng đồng, trung học tổng hợp, trường cao đẳng và chuyên nghiệp, các viện, đại học bách khoa...; chú trọng đến việc đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Việc thi cử cũng được đơn giản bớt: Bãi bỏ kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp (niên khóa 1965–1966) và Tú tài phần I (vào năm 1972–1973)[13].

Tập dự thảo "Kế hoạch phát triển giáo dục bốn năm (1971–1975)" của Bộ Giáo dục đã đưa ra 3 mục tiêu cải tổ giáo dục: (1) Phát huy năng khiếu cá nhân; (2) Thích ứng cá nhân với xã hội; (3) Phát huy tinh thần quốc gia. Phải lo phát triển: (1) Giáo dục cộng đồng cấp I; (2) Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp cấp II; (3) Đại học bách khoa. Tuy nhiên, bản dự thảo này bị một số nhà giáo như Trần Nho Mai chê là thiếu thực tế, không có tính khả thi, vì những mục tiêu đặt ra vượt quá khả năng về điều kiện vật chất để thi hành. Do vậy, kế hoạch bị bãi bỏ.

Vì vậy, năm 1974, Hội đồng cải tổ giáo dục đã từng nêu đề xuất là sẽ soạn một chương trình cải cách mới với mục tiêu dài hạn, tuy nhiên năm 1975 Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nên vẫn chỉ dừng ở mức ý tưởng[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_Việt_Nam_Cộng_hòa http://www.personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/tvrgd... http://www.personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/tvrgd... http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/12/may-cam-n... http://www.calitoday.com/news/view_article.html?ar... http://www.erct.com/2-ThoVan/0-ThanHuu/HoaGiang/LS... http://www.erct.com/2-ThoVan/3-Unna/Giao_duc_VN.ht... http://www.haivannews.com/default.asp?sourceid=&sm... http://www.hanvota.com/nhac/Frame_Nav/nav_GUITAR-n... http://www.hocviencsqg.com/QuaTrinhThanhLapHocVien... http://www.nationsencyclopedia.com/Asia-and-Oceani...